Hiện cả nước có khoảng 450 doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ 1/1/2022, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực. Trong đó, có nhiều chính sách đáng quan tâm với doanh nghiệp của lĩnh vực này.
Bao gồm: Những quy định chung; Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước; Quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giải quyết tranh chấp…
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp nộp lại giấy phép khi: Chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật; Chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Luật không hạn chế số lượng chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng phải đáp ứng một số điều kiện. Cụ thể là: Được doanh nghiệp giao nhiệm vụ; Người đứng đầu chi nhánh đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật; Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ được giao; Có cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ giáo dục định hướng.
Về hợp đồng môi giới và thù lao theo hợp đồng môi giới, Luật đã bỏ quy định người lao động phải có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội. Thay vào đó, Luật đã quy định cụ thể để xác định mức trần của dịch vụ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.